Khảo sát lại mặt bằng trước khi lắp Cửa tự động
Trước khi lắp đặt, chúng ta cần đo lại kích thước ô chờ lắp cửa, kích thước các tấm vật liệu làm cửa ( thường là kính hay panel, tấm cửa thép chống cháy…). Nếu chưa có kinh nghiệm lắp cửa tự động thì so sánh các kích thước đo được với bản vẽ thi công. Trong trường hợp bạn đã nắm được các công thức, hãy tính lại một lần nữa xem các kết quả có đúng như thực tế hay không.
Việc đo lại toàn bộ kích thước là rất quan trọng, tránh được những sai sót lớn khiến bạn phải làm lại từ đầu. Có kết quả khảo sát lại cũng giúp cho việc lắp đặt cửa tự động được thuận lợi và nhanh chóng, chính xác.
Lắp đặt Cửa tự động – phần Cơ khí
Dựng vách cố định ( nếu cần):
Trong trường hợp vách cố định đã có sẵn ( thường gọi là cửa 01 tấm và cửa 02 tấm), bỏ qua bước này.
Trường hợp còn lại chúng ta phải lắp dựng vách cố định ( cửa 04 tấm hay cửa 05 tấm). Việc lắp đặt vách cố định tuân thủ theo kỹ thuật và kỹ năng tương ứng với vật liệu cấu thành nó. Ví dụ: vách bằng kính thì lắp như các vách kính cường lực, vách bằng thạch cao lắp như tường thạch cao… Đối với vách kính cường lực, phải tính toán lỗ khoan trên kính trước để bắt ray nhôm cửa tự động; đối với vách thạch cao ta cũng phải tính toán để đặt các xương chịu lực hợp lý.
Vách cố định phải được lắp dựng chắc chắn, thẳng đứng và đúng kích thước bản vẽ. Một yêu cầu quan trọng là giữ chính xác kích thước lỗ ban cho cửa.
Gá lắp ray nhôm của cửa tự động:
Cắt thanh ray theo đúng chiều dài thực tế đo được tại công trình.
Bắt cố định thanh ray lên vách cố định đã có. Nếu vách kính thì khoan lỗ rồi bắt bằng bulong kính, vách thạch cao hay thép thì bắt bằng vít, vách panel bắt bằng đinh rive, tường xây hay bê tông thì bắt bằng nở/ tắc kê.
Quá trình gá lắp ray nhôm phải đảm bảo thanh ray được bắt chắc chắn, thăng bằng ( cả chiều ngang và chiều đứng); nếu không khi hoạt động cửa sẽ bị rung gây ra tiếng ồn.
Lắp đặt các linh kiện lên ray:
Bao gồm các linh kiện: động cơ, bảng điều khiển, biến áp/ bộ đổi nguồn ( nếu có). Động cơ và puly cần được bắt cố định và thật chắc chắn, vì khi cửa hoạt động có thể làm cho động cơ hay puly bị trượt, làm chùng dây đai và cửa tự động không hoạt động được nữa. Liên kết biến áp – động cơ – bảng điều khiển bằng các dây điện có sẵn bằng cách cắm giắc.
Sau đó, ta gá lắp mắt thần bên ngoài và các thiết bị ngoại vi như bộ nhận tín hiệu của nút nhấn, đầu đọc thẻ, máy chấm công… Lưu ý là chỉ lắp đặt cho đúng vị trí, kéo dây về chỗ bảng điều khiển của cửa tự động nhưng CHƯA đấu dây vào bảng điều khiển.
Lắp đặt cánh cửa lên ray
Trường hợp cánh bằng kính: Cắt kẹp kính đúng bằng chiều rộng tấm kính, lắp kẹp kính vào tấm kính dùng làm cánh cửa. Lưu ý lắp thật chắc chắn, nếu không sẽ bị tụt kính. Sau đó, bắt các cụm bánh xe vào kẹp kính ( hai cụm bánh xe ngắn nằm ở 2 bên ngoài cùng, bánh xe dài nhất nằm ở cánh đối diện với động cơ, bánh xe còn lại nằm ở cánh cùng phía với động cơ).
Trường hợp cánh bằng kính đã bao khung ( nhôm, inox), bằng tấm panel hay tấm cửa thép chống cháy, tấm inox 2 mặt… bắt trực tiếp cụm bánh xe lên tấm cánh cửa. Thứ tự bắt 4 cụm bánh xe cũng giống như cánh bằng kính.
Treo cánh cửa đã gắn cụm bánh xe lên ray. Cân chỉnh cánh cửa sao cho thẳng đứng, cách đất 10mm. Hai cánh cửa phải cao bằng nhau và khi đóng lại tạo thành 1 mặt phẳng ( nếu cánh bị cong hay vặn xoắn thì tìm cách khắc phục).
Gắn dây đai truyền động ( dây cu-roa)
Cắt dây đai cho đủ độ dài, gắn vòng qua puly và động cơ sau đó nối thành vòng tròn khép kín tại một trong 2 cụm bánh xe có kẹp nối. Căng dây đai bằng cách vặn ốc ở phía puly không tải. Dây đai được căng sao cho vừa đủ để thành hai đường thẳng song song.
Mở hết 2 cánh cửa ra, bắt cánh cửa còn lại vào dây đai.
Lắp dẫn hướng sàn cho 2 cánh cửa.
Mở hết cửa ra, ta bắt một cục chặn hành trình bên ngoài ở 1 cánh nào đó. Đóng cửa lại và bắt cục chặn hành trình ở giữa sao cho 2 cánh đóng lại có khe hở cách nhau 5mm.
Chúng ta kết thúc phần gá lắp cơ khí của cửa tự động tại đây.
Lắp đặt Cửa tự động – phần Điện
Hiệu chỉnh tốc độ cửa đóng/mở tự động:
Nối điện nguồn 220V vào cầu đấu hoặc dây điện chờ có sẵn. Bật nguồn và hiệu chỉnh tốc độ sao cho phù hợp nhất. Tốc độ đóng mở cửa tự động không nên quá nhanh gây mất an toàn cho người đi lại. Thông thường cài đặt cho cửa mở nhanh và đóng chậm. Cho cửa tự động chạy khoảng 15-20 lần để kiểm tra tất cả quá trình hoạt động của nó.
Đấu nối các thiết bị ngoại vi vào bảng điều khiển
Tắt điện nguồn, đấu nối theo sơ đồ đấu nối được in rõ trong các giấy hướng dẫn.
Bật điện nguồn; kiểm tra, cài đặt các thiết bị ngoại vi sao cho nó hoạt động ổn định, đúng ý chủ đầu tư.
Hoàn thành việc lắp đặt cửa tự động:
Ta tiến hành lắp nắp che vào thanh ray, lắp mắt thần bên trong. Các bạn bật điện nguồn cho cửa hoạt động và hiệu chỉnh độ xa gần của mắt thần sao cho đúng ý chủ đầu tư. Sau đó, kiểm tra hoạt động của cửa tự động và toàn bộ các thiết bị ngoại vi trong vòng 30 phút. Khi không thấy có những trở ngại phát sinh hay cần phải hiệu chỉnh thêm nữa, tiến hành vệ sinh sạch sẽ toàn bộ bộ cửa.
Trong một số trường hợp, chủ đầu tư yêu cầu chúng ta đấu điện cho cửa tự động hoạt động luôn. Điện nguồn 220V được cấp vào công tắc nguồn của cửa bằng dây điện 2x1,5mm trở lên. Tốt nhất, các bạn nên sử dụng 1 áp-to-mát (CP) riêng cho cửa tự động.
Bàn giao cửa tự động cho khách hàng sử dụng.
Mọi thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ:
Casca Miền Bắc
- Địa chỉ: Liền kề số 1, New House Xa La, Khu đô thị Xa La, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội
- Hotline: 096 494 6883
- Email: cascamienbac@gmail.com
Casca Miền Nam
- Địa chỉ: Số 68, đường số 10, Khu dân cư Hương lộ 5, An Lạc, Bình Tân, Tp HCM
- Hotline: 093 722 6883
- Email: cascamiennam@gmail.com